Tham quan hòn đảo có hình đầu người

Hòn Đầu Người nằm ở phía bắc dãy đảo Bồ Hòn, thuộc vịnh Hạ Long.

tham quan hon dao co hinh dau nguoi 1

Hòn đảo này từ rất xa đã có thể nhìn thấy, nó giống như một đầu người Hy Lạp với chiếc mũi to gồ nhô ra, cằm tỳ trên mặt nước, cao đến 25 m.

tham quan hon dao co hinh dau nguoi 2

Nhiều người đã liên tưởng tới hình ảnh tượng Nhân sư Ai Cập. Hòn đầu người thực sự rất hoàn chỉnh với đầy đủ các chi tiết trên một gương mặt, với chiếc mũi to, gồ ghề, nhô cao,… Vị trí của nó ở gần Hang Luồn, cách cảng tàu du lịch 13 km, thuộc vịnh Hạ Long.

tham quan hon dao co hinh dau nguoi

Hòn Đầu Người của Hạ Long là tác phẩm của tự nhiên có vẻ đẹp và thơ mộng riêng vì nổi trên mặt nước biển.

Hang Bồ Nâu – Hàm răng của con quái vật

Nằm trong quần thể các điểm tham quan như: hang Sửng Sốt, hang Luồn, đảo Ti Tốp, hang Trống, tuy nhiên hang Bồ Nâu chưa được khai thác nhiều, vì vậy hang vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ vốn có của nó. Cách hòn Trống Mái khoảng 2 – 3 km về phía đông nam.

hang Bo Nau

Hang Bồ Nâu có dạng hàm ếch, rộng khoảng 200 m2, đáy hang rộng, phẳng nhưng không sâu, vách có nhiều nhũ đá. Trên trần của hang có vết nứt nên ánh sáng có thể lọt qua đó vào hang. Đáy của hang thắt lại, phía trước hang là một hòn đảo nên ánh sáng trong hang không bao giờ chói chang. Cửa hang có ba phiến đá hình dáng giống như ba ông tiên đang chụm đầu lại với nhau trong tư thế hai người đang đánh cờ và một người làm trọng tài.

hang Bo Nau 1

Hang nằm trên đảo nhỏ trong khu vực có rất nhiều hòn đảo đẹp. Nơi đây còn dấu tích của người tiền sử và ở cuối hang có 3 măng đá lớn trông giống như ba cụ già ngồi đánh cờ.

hang Bo Nau 2

Theo những người dân làng chài Bồ Nâu trên Vịnh Hạ Long, sở dĩ có cái tên Bồ Nâu là vì ngày xưa người dân nơi đây lấy hang là nơi để nhuộm cánh buồm bằng quả Nâu.

Đến hang Bồ Nâu du khách sẽ có được những khoảnh khắc tuyệt vời nhất, mà thiên nhiên ban tặng cho hang động này.

Động Tam Cung “Nụ hoa quỳnh trắng muốt”

Động nằm ở trung tâm vịnh Hạ Long, cách động Sửng Sốt 5 km về hướng đông bắc. Động được chia làm ba ngăn, luồn lách qua từng khe đá. Trong động có nhiều nhũ đá đẹp. Ở cả ba ngăn động, nhũ đá tạo ra những hình thù tự nhiên sống động như tiên ông với chòm râu bạc phơ, ba ông tam đa trầm mặc, nụ hoa quỳnh trắng muốt, rồi nào là hình sư tử, hải cẩu, tượng thuỷ thần…

dong tam cung nu hoa quynh trang muot

Ngăn thứ nhất, bất chợt ta dừng bước lặng nghe đâu đó vang lại những âm thanh như tiếng đàn T’rưng hoặc đàn đá thánh thót. Chưa hết ngạc nhiên, du khách bỗng gặp một “ông tiên” đang chống gậy leo núi, chòm râu trắng phơ bay trong gió. Và đây nữa, ba “ông tam đa” đang đứng trầm mặc trên vách động nhìn cảnh trần xuôi ngược. Từ trần động một nhũ đá giống hệt nụ hoa quỳnh trắng muốt đang chúm chím nở giữa rừng hoa nhũ đá.

dong tam cung nu hoa quynh trang muot 3

Ngăn thứ hai, qua một khe cửa nhỏ, bước đi gập ghềnh, nơi đây như là một bảo tàng tự nhiên sống động,chính giữa ngăn là một dòng suối tiên quanh năm nước ngọt tràn trề, hai bên vách động là những bức rèm đá buông rủ từ trần xuống thướt tha, tất cả dường như đang lay động.
dong tam cung nu hoa quynh trang muot 1

Ngăn thứ ba, một bức phù điêu hoành tráng trên đó chạm trổ những hình thù kỳ dị nhưng lại rất công phu, tầng tầng lớp lớp trong một chỉnh thể chung cân đối, hài hoà, những bông hoa, gậy trúc xinh xắn, những bức rèm đá tự nhiên, những chú voi hiền từ đang ngủ.

Là một trong vô số các hang động của Vịnh Hạ Long, nhưng với vị trí trung tâm, cộng thêm những tạo hình độc đáo từ thiên nhiên bên trong động và không gian thoáng đãng, trong lành bao quanh, động Tam Cung vẫn nổi bật và thu hút đông đảo khách trong nước cũng như quốc tế khi đến Vịnh Hạ Long.

Thăm đền thờ hai anh hùng dân tộc

Đền Trung Cốc là công trình chào mừng 50 năm thành lập tỉnh thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, hai vị anh hùng của dân tộc; việc trùng tu, tôn tạo công trình góp phần phát huy giá trị một di tích nằm trong tổng thể cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của Quảng Ninh.

Tham den tho hai anh hung dan toc1

Đền được xây theo kiểu chữ “đinh” gồm ba gian tiền đường và hai gian hậu cung. Trang trí, chạm khắc những đề tài quen thuộc ẩn chứa bao khát vọng sống thanh bình nơi làng xóm, mang vẻ đẹp thâm nghiêm cả về tạo hình và tâm linh.

Mảnh đất xây dựng ngôi đền Trung Cốc bên cạnh bãi cọc Đồng Vạn Muối, là những nguyên gốc về chứng tích Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão đã dừng chân nơi đây khi đi khảo sát địa hình để cắm cọc ở đồng Vạn Muối và bố trí mai phục đã bị cạn thuyền ở gò đất cao (sau là nơi lập đền thờ này). Đền Trung Cốc đã được Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 310/QĐ/BT, ngày 13/2/1996.

Tham den tho hai anh hung dan toc

Đền Trung Cốc còn có tên chữ là Trung Cốc Từ ở xã Nam Hoà, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Theo dân gian đền có từ lâu đời, ban đầu lợp tranh sau đó xây bằng đá, đến thời vua Gia Long thứ VI, các vị chức sắc kỳ hào xã Phong Lưu họp bàn khai hoang ở khu vực gần sông Bạch Đằng và khu đất được khai khẩn đó được đặt tên là Đồng Cốc, sau đó thành thôn Đồng Cốc.

Lễ hội đền Trung Cốc diễn ra vào ngày 8 tháng 3 âm lịch hàng năm. Cùng với bãi cọc Yên Giang, đền thờ Trần Hưng Đạo – miếu Vua Bà, cây lim Giếng Rừng, đình Trung Bản tạo thành một quần thể di tích phong phú, gắn với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Đền còn là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân trong vùng và khách thập phương.

Di tích đền Trung Cốc hiện nay vẫn giữ được vẻ nguyên trạng và lưu giữ được những hiện vật có giá trị: tượng Trần Hưng Đạo, tượng Phạm Ngũ Lão, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, sắc phong của vua Gia Long 1805, hệ thống câu đối đại tự, chấp kích cổ có ý nghĩa văn hóa, lịch sử.

Đi chợ Móng Cái mua sắm thỏa thích

Chợ cửa khẩu Móng Cái là điểm du lịch Quảng Ninh được khá nhiều giới thương gia lựa chọn đầu tiên ngay khi đặt chân tới Quảng Ninh.

cho Mong Cai

Ở đây có ba khu chợ chính và có một chợ đêm mở cửa đến sáng. Chợ chính nằm ở trung tâm, tại đường Trần Phú, tập trung vào thị trường khách du lịch. Giờ bán hàng đông nhất của chợ chính thường từ 4h đến 5h sáng và bắt đầu vãn sau 2h chiều hôm sau. Đó là lúc thời gian mà các thương gia Trung Quốc thu dọn hàng để kịp quay trở lại biên giới.

cho Mong Cai1

cho Mong Cai2

Hàng hoá bày bán ở trong chợ và trao đổi qua biên giới khá phong phú. Hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam chủ yếu là vải, quần áo may sẵn, chăn màn, giầy dép, các đồ điện tử cao cấp, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, hoa quả như táo, cam, lê, nho khô… Hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là cao su sơ chế, hải sản tươi sống, tôm cá đông lạnh, nông sản thực phẩm như chè, cà phê, lạc vừng, đậu… Ở trong chợ nổi lên là các sạp hàng vải, bánh kẹo Trung Quốc. Đặc biệt là các quầy thuốc Bắc, các thầy lang người Trung Quốc vừa bắt mạch vừa kê đơn bốc thuốc tạo nên nét riêng độc đáo ở chợ cửa khẩu Móng Cái.

cho Mong Cai3

Sau khi vào chợ mua sắm hàng hoá, du khách có thể quay ra thưởng thức các món ăn Việt Nam, Trung Quốc tuỳ theo ý thích. Ngoài ra, ở đây còn có đủ loại rượu Trung Quốc, từ rượu Mao Đài nổi tiếng cho đến các loại rượu thông thường như Thần Phụ tửu, Khổng Phụ tửu, Ngũ lương dịch. Các món ăn đặc sản Trung Quốc như vịt quay Bắc Kinh, đậu phụ cay tê…và đặc biệt không thể thiếu món ăn quen thuộc là khâu nhục.

cho Mong Cai4

Tượng đá An Kỳ Sinh bí ẩn của một huyền thoại

Thoạt nhìn, tượng là một khối đá tự nhiên, giống dáng một vị sư khoác áo chùng thâm, hai tay đang lần tràng hạt, mặt hướng về phía tây như đang hướng về đất Phật. Không ai biết “nhà sư” đứng như thế ở đây từ bao giờ, chỉ biết rằng ngài đứng ở đây thanh thản giữa đất trời, tà áo bay trong gió như một sự hiện hữu đầy lạ kỳ. Cho đến nay, có nhiều tích về nhân vật An Kỳ Sinh, nhưng dù là tích nào đi nữa thì cũng đều là những câu chuyện huyền bí. Lịch sử và nhiều công trình nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra những lý giải rõ ràng và khúc chiết nhất.

tuong da An Ky Sinh 2

Nằm ở độ cao hơn 900m, cách chùa Vân Tiêu 569m, trên một vùng đất phẳng và rộng giữa đường hành hương lên chùa Đồng có pho tượng đá lộ thể, đó là tượng An Kỳ Sinh. Cách tháp 7 tầng mới, điểm dừng chân cuối cùng của tuyến cáp treo Hoa Yên – Yên Tử khoảng 200m. Đây cũng chính là đoạn cao nhất trong dãy Yên Tử – nơi được mệnh danh là “non thiêng đệ nhất danh thắng”.

tuong da An Ky Sinh 5

Chuyện xưa kể rằng: vào thời Tần Thủy Hoàng (nửa cuối thế kỷ thứ III trước công nguyên) ở làng Phù Hương đất Lạng Gia có người tên là An Kỳ Sinh thường đi chữa bệnh cho dân nghèo ở miền biển. Người đương thời gọi ông là “Thiên Tuế Ông”. Khi Tần Thủy Hoàng đi Đông Du có mời ông đến nói chuyện y thuật và cho tặng phẩm. Ông mang tặng phẩm vua ban cúng vào đình làng Phụ Hương rồi đi. Ông men theo bờ biển đi mãi đến vùng núi Bạch Vân Sơn (núi mây trắng) ở nước ta, thấy có nhiều cây thuốc quý, ông đắc ý ở lại hái lá cây luyện linh đan, làm thuốc cứu đời, dựng am cỏ để tu tiên. Khi mới đến Bạch Vân Sơn ông dựng am bào chế thuốc tại am Dược, sau chuyển lên khu vực dựng tượng đá hiện nay rồi mất ở đây.

tuong da An Ky Sinh 1

Tượng “người hóa đá” tự nhiên trên núi Yên Tử như phục mệnh trở về với sự trường tồn tĩnh lặng của đạo.

tuong da An Ky Sinh

Cho đến nay, cả nghìn năm đã qua đi, câu chuyện về một vị tu tiên đắc đạo nửa hư nửa thực này dẫu có được soi xét dưới những lý giải khoa học nhất thì vẫn nhuộm màu huyền thoại, góp thêm huyền bí cho non thiêng Yên Tử.

Chùa Cái Bầu tiếng chuông chùa thanh tịnh

Chùa được khởi công từ năm 2007 cùng với Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm, xây dựng trên tổng diện tích 20 ha, với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng bằng nguồn vốn huy động xã hội hóa và khánh thành giai đoạn I vào cuối năm 2009. Được khánh thành khang trang, xứng tầm với những giá trị lịch sử, văn hoá nơi đây.

chua Cai Bau

Chùa đã hoàn thành được Chánh điện, lầu Chuông, lầu Trống, cổng tam quan, tăng phòng, nhà khách chư tăng, chư ni v.v.. và vẫn đang được tiếp tục xây dựng thất đường trụ trì, thất chuyên tu, thiền đường, nhà trưng bày trai đường, nhà phát hành các ấn phẩm Phật giáo và một tượng Phật lớn từ trên đỉnh núi nhìn ra vịnh…

chua Cai Bau 1

Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm được bao trùm bởi không khí thanh bình, tĩnh lặng khiến cho mỗi tiếng chuông chùa, mỗi tiếng tụng kinh gõ mõ như càng ngân vang hơn. Thiền viện được xây dựng trên nền ngôi Phúc Linh Tự, thờ các vị tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông từ thế kỷ XIII.

chua Cai Bau 2

Đến với khu di tích này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh quan vô cùng đặc sắc, với ngôi chùa lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển, đây có lẽ là một ngôi chùa có vị trí đẹp nhất trong hệ thống chùa của Việt Nam.

chua Cai Bau 3

Được đánh giá là một công trình văn hoá tâm linh có kiến trúc và cảnh quan đẹp. Chùa được xây dựng trên núi cao khang trang, thoáng mát. Phong cảnh nơi đây thật sơn thuỷ hữu tình. Từ trên chùa, du khách có thể phóng tầm mắt ra Vịnh Bái Tử Long để chiêm ngưỡng đảo núi đá chập chùng giữa biển cả bao la, những con thuyền rẽ sóng ra khơi và tận hưởng những làn gió mặn mòi từ khơi xa mang lại.

chua Cai Bau 4

Chùa Cái Bầu không chỉ lạ về kiến trúc (đền kết hợp với chùa) mà nơi ở nơi đây không có chuyện đốt vàng mã, không có cảnh xô bồ bán hàng dong, bởi bất cứ ai đến nơi đây cũng chỉ lễ Phật bằng chính lòng thành kính của mình.

chua Cai Bau

Để giữ gìn sự tôn nghiêm nơi cửa Phật, công tác an ninh trật tự trong khu vực chùa được triển khai rất tốt. Trong khuôn viên nhà chùa không cho phép bán hàng, không có các hoạt động mê tín dị đoan như coi bói, rút quẻ. Các du khách, phật tử thập phương đến chùa nếu muốn đều được phục vụ cơm chay miễn phí…

chua Cai Bau 5

Chuyến hành trình tôn giáo, một điểm du lịch tâm linh giải tỏa bao nhiêu phiền muộn, những toan lo của đời thường này đang chờ đợi du khách.

Cảm nhận vẻ đẹp mượt mà của cát biển Quan Lạn

Quan Lạn là bãi biển đẹp, còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ, môi trường sinh thái chưa bị ô nhiễm nằm ở đảo Quan Lạn trong vịnh Bái Tử Long.

Quan Lan 1

Nước biển xanh ngắt, sóng to, cát trắng trải dài tới vài kilômét. Cách mép nước vài chục mét là những bãi dứa dại xanh ngút ngát làm cho bãi tắm dường như hoang sơ hơn.

Quan Lan

Vẻ đẹp hoang sơ và môi trường sinh thái trong lành ở đây tạo nên sự hấp dẫn du khách đến với bãi tắm Quan Lạn. Cát tại đây được ví “ Trắng như Tuyết , mượt như Nhung”, có bãi biển dài đến nhiều km, sóng to và rất trong lành mang đến nhiều điều hấp dẫn du khách yêu thích tắm biển, vận động và tham gia cắm trại, hội hè …

Quan Lan 5

Buổi tối ở Quan Lạn có không khí thật đặc biệt. Du khách có thể ngồi trên bãi cát, đốt lửa trại và ăn BBQ với món hải sản nướng. Đến sáng, du khách có thể đón bình minh ngay trên đảo trong không gian thật yên bình và nghe tiếng sóng biển vỗ về êm dịu.

Quan Lan 3

Hiện nay ở đây đã đầu tư xây dựng một hệ thống nhà nghỉ theo kiểu nhà sàn ẩn mình trong những rặng phi lao xanh ngắt. Một con đường lát gạch đỏ au đón du khách từ trục đường chính của xã đến bãi tắm Quan Lạn. Vẻ đẹp hoang sơ và môi trường sinh thái trong lành ở đây tạo nên sự hấp dẫn du khách đến với bãi tắm Quan Lạn.

Quan Lan 4

Những nét đẹp thiên nhiên và bình lặng tại đây khiến cho bất kì ai cũng cảm thấy thú vị và hấp dẫn khi du lịch đến nơi này. Đây sẽ là điểm du lịch lý tưởng và là sự lựa chọn hàng đầu của du khách.

Khám phá “rùa thần” trong động Kim Quy

Những hang động của du lịch Hạ Long đã thu hút sự chú ý và tò mò của nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu như hang Sửng Sốt, động Thiên Cung…bên cạnh những hang động này thì không thể không nhắc đến động Kim Quy.

Động Kim Quy nằm ngay trên hòn Dầm Nam, dài khoảng 100m quanh năm nước chảy róc rách với vô vàng nhũ đá mềm mại được kiến tạo ngày đêm không nghỉ. Ở phía động trong cùng có nhiều măng đá được kiến tạo nhẵn bóng và xếp ngay hàng thẳng lối mà nhiều người bảo trông chúng giống như bãi cọc Bạch Đằng năm xưa.

Kham pha rua than trong dong Kim Quy 4

30 chiếc cọc gỗ lim của Trần Hưng Đạo đã dùng cắm xuống dòng sông Bạch Đằng lại hiện hữu ở nơi đây, những thớ gỗ lim nứt nẻ màu nâu xám tưởng chừng như sắp đổ gẫy, nhưng kỳ thực chúng vô cùng vững chắc. Đó là những măng đá đấy, chúng được phân bố khắp nơi, dày đặc chi chít nhưng có hàng lối rõ ràng, chúng nhẵn bóng và cao chừng 30 – 40cm, trông hệt như bãi cọc bằng gỗ thật.

Động Kim Quy là tên gọi gắn liền với sự tích rùa vàng hồ Gươm, theo chuyện kể thì ngày xưa sau khi giúp vua Lê lợi đánh thắng giặc Minh, rùa nổi lên mặt hồ lấy lại kiếm báu rồi bơi về biển Đông.

Du khách vào tham quan động, sẽ vẫn thấy một khối đá tượng tự hình ảnh con rùa đang nằm ngủ lim dim với nhiều vết thương trên mình.

Kham pha rua than trong dong Kim Quy

Câu chuyện được kể tại Động Kim Quy từ truyền thuyết Rùa Vàng. Sau khi Rùa Vàng giúp vua Lê Lợi đánh giặc, liền bơi về biển. Nghe nói ở đây có nhiều thủy quái, Rùa Vàng tới nơi ở của vua Thủy Tề, xin phép được diệt trừ thủy quái. Nhưng do thủy quái quá nhiều mà sức Rùa Vàng thì có hạn. Sau khi cố gắng diệt trừ hết các loài quấy nhiễu nhân dân, Rùa Vàng bơi tới động này mà hóa đá luôn tại đó, nghỉ ngơi cho đến tận bây giờ.

Kham pha rua than trong dong Kim Quy 3

Đến động Kim Quy du khách có thể vừa kết hợp tham quan hang động, vừa khám phá rừng nguyên sinh trên đảo gần hang động. Du lịch Hạ Long một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, chắc chắn sẽ khiến du khách thấy thêm yêu những vùng đất Việt thân yêu khi đến đấy.