Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, hiện trên Vịnh Hạ Long có 7 làng chài với hơn 600 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Trong số đó có một phần đáng kể là ngư dân các làng chài Giang Võng, Trúc Võng ngày xưa, nhiều gia đình đã cư trú trên Vịnh đã từ lâu đời, có hộ đã tới 4-5 thế hệ. Vì thế, họ đã giữ được nhiều tín ngưỡng, phong tục truyền thống.
Là người Việt, tất yếu ngư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long có nhiều phong tục, tập quán chung của cư dân ven biển Bắc Bộ, đó là dù sinh sống trên nhà bè, không gian hạn chế, nhưng mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên, thờ ông Công (ông Táo), ngày giỗ cha, mẹ làm cỗ cúng; quan hệ gia đình, trên dưới cùng một nếp chung. Bên cạnh đó, do sinh sống trên biển, luôn đối mặt với hiểm hoạ từ thiên nhiên nên ngư dân các làng chài rất coi trọng chuyện kiêng kỵ, thờ cúng
Vào những ngày rằm, mồng một hay dịp Tết v.v.. hầu hết các gia đình đều sắm lễ tới các đền thờ trên Vịnh như đền Bà Men (hồ Ba Hầm), đền Cậu Vàng (Cửa Vạn) hoặc vào các đền, chùa trong đất liền như chùa Long Tiên, đền Cái Lân, đền Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), đền Cửa Ông (TX Cẩm Phả)… để cầu tài, cầu lộc, mong cho một năm mới đi biển gặp nhiều may mắn, mọi người trong gia đình mạnh khoẻ, an lành.
Xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân, hiện nay, trên Vịnh Hạ Long có một số đền, miếu. Trong số đó, lớn nhất là đền Bà Men. Tương truyền, thuở xưa có người đàn bà chết đuối, xác trôi vào đây, ngư dân làng chài thương cảm bèn vớt xác chôn cất ven đảo. Khi thuyền đi qua, ai có cầu ước gì thảy đều linh ứng. Dân làng chài bèn lập đền thờ. Khách đến cầu ở đền vào dịp Tết rất đông, trong đó có cả ngư dân bên Cát Bà (Hải Phòng) sang. Vào ngày rằm tháng giêng hàng năm, ngư dân các làng chài trên Vịnh lại tổ chức giải đua thuyền trước đền rất sôi nổi.
Theo những người dân làng chài thì đền Bà Men là nơi rất linh thiêng.
Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, ngư dân Vịnh Hạ Long cũng thường kiêng kỵ. Ở những gia đình ngư dân cư trú lâu đời trên Vịnh, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều được ông bà buộc một vòng dây vải đỏ vào cổ tay, coi đây là lá bùa ngăn chặn, xua đuổi tà ma, xui xẻo. Nhiều gia đình khi sinh con ra đặt tên con là “Nhặt” với ngụ ý là nhặt được để cho dễ nuôi. Ngày nay, quan niệm này vẫn còn nhưng số người tên là “nhặt” đã ít đi, thay vào đó là những cái tên như: Hoa, Lan, Hùng…
Ngày nay, nhiều phong tục, tập quán của ngư dân trên Vịnh Hạ Long đã mai một, không còn giữ được tính thuần nhất do sự pha trộn dân cư ở các làng chài và phương thức sống cũng có nhiều thay đổi, từ chuyên đánh bắt cá, phần lớn các gia đình chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản. Rồi là tác động của cuộc sống mới đến lớp trẻ v.v.. Theo Dự án di dời nhà bè trên Vịnh Hạ Long lên bờ mà TP Hạ Long đã và đang triển khai, các phong tục, tín ngưỡng của ngư dân trên Vịnh Hạ Long tới đây sẽ được “bảo tàng hoá” để giới thiệu với du khách như tại Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn.